Thông tin giới thiệu đơn vị điều phối ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

17/06/2014

Giới thiệu về đơn vị điều phối ghép tạng

1. Mở đầu
Để điều trị một bệnh lý nào đó, thì thường áp dụng một hay phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau như: 
- Sử dụng thuốc uống hoặc đôi khi phải tiêm chích
- Hoặc phải can thiệp bằng phẫu thuật hay thủ thuật
Kết quả tùy thuộc vào từng dạng bệnh lý khác nhau và thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn, thì người bệnh có thể khỏi hoàn toàn hoặc một phần hay nặng hơn thì sẽ dẫn đến tử vong.
Nhưng đối với các bệnh lý được chẩn đoán là suy chức năng tim, gan, hay thận ở giai đoạn cuối không còn đáp ứng với thuốc điều trị thì cũng đồng nghĩa với chờ đợi cái chết sẽ đến với mình nếu không có phương pháp điều trị thay thế khác. Trong trường hợp này thì phải có trái tim, lá 
gan hay quả thận khác thay thế vào hoặc một dụng cụ nhân tạo nào đó có các chức năng tương tự để thay thế, ví dụ như: thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc… 
Quả thật đây là một vấn đề khá khó khăn để giải quyết, khi nhìn thấy một người bệnh mang căn bệnh hiểm nghèo này mà không thể làm gì được, đặc biệt đối với những người bệnh có tuổi đời còn quá trẻ. Tâm trạng này không chỉ có một vài người hay một nhóm người mà là cả một tập thể các Giáo sư, bác sĩ, các nhà khoa học trên cả nước đã tìm hiểu, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau theo chuyên ngành của mình như: phẫu thuật, nội khoa, hồi sức, chăm sóc hậu phẫu, theo dõi sau ghép. Các xét nghiệm: miễn dịch HLA, phản ứng chéo, vi sinh, huyết học, 
sinh hóa, siêu âm…, để làm sao có thể thực hiện được ca ghép thận tại Việt Nam vào giai đoạn của những năm 1990. Trong phạm vi bài viết này, tác giả mong muốn ghi nhận lại các bước phát triển của chuyên ngành hiến-ghép mô-tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và khu vực phía 
Nam nói chung.
2. Ý tưởng phát triển chuyên ngành ghép thận
Để có ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 là một chặng đường rất dài và rất nhiều khó khăn trở ngại. Từ những năm 1970-1976, tại Hà Nội các Giáo sư đầu ngành như: GS Phạm Mạnh Hùng, GS Lê Thế Trung, GS Tôn Thất Tùng, GS Đỗ Kim Sơn và nhiều thành viên khác cũng đã tổ chức, lập kế hoạch đào tạo nhân sự, nhưng do chiến tranh nên mọi việc đã phải tạm dừng lại ước mơ này.
Mãi đến năm 1988, một người bệnh Việt Nam được chuyển đi ghép thận ở Cuba, nhưng không thành công đã thúc giục các nhà Khoa học lại một lần nữa khơi dậy sự quyết tâm của mình. Vì thế, các chuyên gia đã đưa người ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của họ và cuối cùng ca ghép thận đầu tiên từ người hiến sống là anh em ruột cho nhau được thực hiện vào ngày 5/6/1992, do GS Lê Thế Trung là người đại diện kíp ghép của Việt Nam cùng với GS Chue Shue Lee người Đài Loan đến Việt Nam giúp đỡ phát triển kỹ thuật này. Trong ca ghép đầu tiên này, các giáo sư đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 103 và Học viện Quân y đều tham gia, thiết bị y tế thì là "liên hiệp quốc" vì bệnh viện nào có gì mang đến thứ đó để đóng góp.

My alt text

Hình 1.1. a. Hình ảnh của buổi họp chuẩn bị ca ghép thận đầu tiên, tháng 2-1992 tại Học viện Quân y. Người ngồi thứ hai bên trái là GS Chue Shue Lee; b. GS Lê Thế Trung

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong giai đoạn này GS Trịnh Kim Ảnh nguyên Giám Đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cử GS.TS. Trần Ngọc Sinh cùng kíp mổ của khoa Ngoại Tiết niệu, đi học tại Pháp, Đài Loan,… hay ra Bệnh viện 103, kíp cận lâm sàng học các xét nghiệm Miễn dịch, HLA (Human Leukocyte Antigen), trong đó có PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn Thứ Trưởng Bộ Y tế của chúng ta cũng là một trong những người đầu tiên cùng tham gia. Trường hợp ghép thận đầu tiên tại Bệnh viên Chợ Rẫy từ người hiến là mẹ ruột cho con trai đã diễn ra vào ngày 28/12/1992 thành công với sự hỗ trợ của các Giáo sư đầu ngành: GS Phạm Mạnh Hùng, GS Lê Thế Trung, GS Chue Shue Lee cùng nhiều Thầy Cô và các chuyên gia khác trong cũng như ngoài nước. Tất cả mọi người đều reo hò khi nhìn thấy những giọt nước tiểu đầu tiên của người bệnh từng giọt một xuất hiện. Hạnh phúc vỡ òa kể cả Bác sĩ lẫn người bệnh: Người bệnh thì vui mừng khi nghĩ đến từ nay sẽ không còn phải một tuần 3 lần vào bệnh viện chạy thận, có thể trở lại cuộc sống, lao động, học tập bình thường với gia đình và xã hội. Bác sĩ thì vui mừng về sự thành công của cuộc mổ, của sự đầu tư về trí tuệ, của tinh thần, sức lực cũng như thời gian. 
3. Quá trình trưởng thành và phát triển chuyên ngành ghép mô tạng tại Bệnh Viện Chợ Rẫy

Sau khi ghép được 2 ca đầu tiên vào năm 1992 từ mẹ cho con trai và cha cho con gái với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Kíp ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy gấp rút xây dựng kíp của mình từ ngoại khoa, nội khoa, miễn dịch, cận lâm sàng…
3.1. Hình thành và phát triển khoa Thận nhân tạo 
Để có thể ghép được thận thì người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải còn sống thì mới có ca ghép. Như vậy phải có thận nhân tạo, vào những năm 80-90 thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn rất đơn sơ. Giáo sư Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đi thu lượm các máy lọc máu cũ của khoa hồi sức về khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy để sửa lại và đặt tại phòng nội soi của khoa Ngoại Tiết niệu hiện tại. Dung dịch lọc thận cũng được GS Trần Ngọc Sinh nghiên cứu công thức và tự pha chế ra dịch lọc với sự hỗ trợ của KS Phan Thị Danh, nguyên Trưởng khoa Sinh hóa và KS Trần Thái Thanh, nguyên phó khoa là người trực tiếp cân đong lượng thuốc từ cân tiểu ly của Khoa Sinh Hóa Bệnh viện Chợ Rẫy. Bắt đầu nghiên cứu chương trình Thận nhân tạo vào năm 1986, và chạy thử nghiệm đầu tiên cho một trường hợp sốt rét thể ác tính suy thận cấp vào năm 1988. Thử nghiệm này cứu sống được người bệnh dù chỉ một thời gian ngắn, người bệnh đã tử vong do nguyên nhân khác. Từ sự thành công đó, khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu triển khai chạy thận cho những tường hợp suy thận cấp tính (do ngộ độc thuốc, rượu…) 1 ngày/1 ca …Kíp chạy thận gồm: GS Trần Ngọc Sinh là trưởng kíp, điều dưỡng là Cô Châu Thị Hoa, cùng các bác sĩ khác trong khoa, trong số đó có PGS.TS. Thái Minh Sâm và TS.BS. Châu Quý Thuận là những người đang kế thừa đương nhiệm lãnh đạo khoa Ngoại Tiết niệu hiện tại, hình thành nên khoa Thận Nhân tạo hiện nay của Bệnh viện Chợ Rẫy do TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn làm Trưởng khoa và đã phát triển thành khoa thận nhân tạo lớn mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong khu vực có chứng chỉ ISO và được phép đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thận nhân tạo cho các Bệnh viện trong khu vực. 
3.2. Hình thành và phát triển chương trình ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Sau 2 ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1992, các bác sĩ phải tích cực rèn luyện kỹ năng của mình: Học kỹ thuật ghép thận trong nước thì tại Bệnh viện 103, ngoài nước thì tại Pháp, Đài Loan với GS Chue Shue Lee, mổ thực nghiệm trên 50 con chó với điều kiện chó phải còn sống khỏe sau mổ, mổ tạo đường rò động-tĩnh mạch ở tay để chạy thận nhân tạo, đặt catheter để lọc màng bụng liên tục cho người bệnh không thể sử dụng phương pháp thận nhân tạo…
Triển khai và phát triển các kỹ thuật xét nghiệm về Sinh hóa, Huyết học, miễn dịch làm xét nghiệm Human leukocyte Antigen (HLA)… Hiện nay hệ thống xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thể vững vàng phục vụ cho chương trình ghép thận trong khu vực cũng như chuyển giao kỹ thuật cho các Bệnh viện bạn.Quyết tâm và nỗ lực đã mang lại các trường hợp thành công tốt đẹp, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005 cho ghép thận. Đứng trước tình trạng khan hiếm tạng ghép trên toàn cầu, các chuyên gia trong chuyên ngành ghép đã nghiên cứu để phát triển ghép thận từ người hiến tạng chết não hay ngừng tim để mở rộng nguồn tạng hiến tặng. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn phát triển ghép thận từ nguồn hiến từ người hiến chết não thì trước tiên phải có Luật định về luật pháp và Y đức là tối  quan trọng, đấy là cơ sở là nền tảng cho chương trình này. Các Giáo sư, Bác sĩ đầu ngành cùng các Luật gia, các nhà luật định chính sách lại một lần nữa phải ngồi lại để soạn thảo, trong số đó ở phía Nam có GS Trần Đông A, nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, nguyên là đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ, PGS.TS. Trương Văn Việt, nguyên là Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và cũng là nguyên Giám Đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Để chuẩn bị cho triển khai chương trình ghép thận từ người hiến chết não Ông đã có kế hoạch chuyên sâu, ngoài việc phát triển các chuyên khoa khác, Ông đã yêu cầu các nhà phẫu thuật thần kinh ngoài việc nâng cao kỹ năng chuyên ngành còn phải chú ý phát hiện ra trường hợp người bệnh chết não, kỹ năng đánh giá chết não lâm sàng, lập ra hội đồng đánh giá chết não. Sau đó hình thành Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh do PGS.TS Trần Quang Vinh đứng đầu cũng nằm trong kế hoạch phát triển chương trình ghép thận từ người hiến chết não này tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học Công nghệ TPHCM về “Kết quả thực hiện tiêu chuẩn cho thận để ghép ở người chết não” 2009-2011 Chủ nhiệm đề tài là chính PGS.TS. Trương Văn Việt (sau này chuyển giao lại cho PGS.TS. Trần Quyết Tiến) và GS.TS. Trần Ngọc Sinh, nhằm mục đích đánh giá khả năng hiến tạng từ người hiến chết não.Mặt khác GS.TS. Trần Ngọc Sinh cũng đã chuẩn bị hình thành hệ thống điều phối trong ghép tạng thận từ người hiến chết não sao cho bảo đảm được tính minh bạch và công bằng trong 
tuyển chọn người nhận thận. Với sự giúp đỡ của BS Hoàng Anh Dũng, là một Phẫu thuật viên lấy đa tạng dưới hoành của Bệnh viện Erasm, tại Bỉ. Ông là người Bỉ gốc Việt, đã giới thiệu các chuyên gia trong lĩnh vực này về Việt Nam để hỗ trợ, trong đó có điều phối viên Bà VAN 
HAELEWIJCK Berthe C là chuyên gia về điều phối của Châu Âu về Bệnh viện Chợ Rẫy mở khóa huấn luyện từ những năm 2008 …nhưng mãi đến ngày 17/6/2014 đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy mới được hình thành trong bối cảnh là phục vụ cho đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu triển khai Ghép thận từ người cho tim ngừng đập” do PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy làm chủ nhiệm (2013-2016) (hình 1.2.). Đây là một dạng hiến tạng mở rộng để làm gia tăng thêm nguồn tạng hiến tặng. Mặt khác, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng nhằm mục đích tư vấn cho việc bổ sung kinh nghiệm cho quá trình bổ sung và chỉnh sửa Luật ghép tạng trong tương lai tại Việt Nam.

Hình 1.2. Hình ảnh nghiệm thu đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu triển khai Ghép thận từngười cho tim ngừng đập” năm 2016.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã nhận được giải thưởng nhân tài đất Việt do Bộ Y tế và Hội khuyến học Việt Nam trao tặng năm 2017 (hình 1.3)

Hình 1.3. Giải thưởng nhân tài đất Việt được tiếp nhận từ kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu triển khai Ghép thận từ người cho tim ngừng đập”, năm 2017.
Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người gồm 06 thành viên: 02 Bác sĩ, 01 Kỹ sư và 03 Điều dưỡng. Các thành viên của đơn vị đều là những người kiêm nhiệm công tác tại các khoa phòng khác: Khoa Ngoại Tiết Niệu, Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, phòng công tác xã hội, Khoa Ngoại gan mật tụy. Văn phòng của Đơn vị cũng chưa có, nên buổi gặp mặt đầu tiên của đơn vị được tổ chức tại nhà ăn Công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy (hình 1.4.) 

Hình 1.4. Hình ảnh buổi họp mặt đầu tiên của Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy

Hình 1.5. Nhân sự hiện tại của Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy.


Theo lời kể lại của GS Phạm Mạnh Hùng, (lời của GS Chue Shue Lee): "Ông nhớ nhé, 90% thời gian ông phải quan tâm đến người cho thận và chỉ dành 10% để quan tâm đến người nhận thận" Vì người hiến thận là người đã hy sinh sức khỏe của mình để cứu người khác.Trong thực tế thực hành hàng ngày, chúng tôi đã bám theo sự hướng dẫn ấy để chăm sóc và điều trị cho người hiến tạng dù là dạng hiến sống hay hiến chết não. Trên cơ sở đó cho đến hôm nay 30/4/2022) Bệnh viện Chợ Rẫy đã vượt mốc 1.000 ca ghép thận (1.030 ca)

Biểu đồ 1.1. Trình bày số liệu ghép thận tai Bệnh viện Chợ Rẫy qua các năm từ 12/1992-04/2021


3.3. Phát triển các kỹ thuật ghép mô-tạng từ người hiến sống, chết nào hay tim ngừng đập Hòa mình cùng sự phát triển của chuyên ngành ghép mô tạng trên cả nước, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phát triển các chương trình: 
 - Kỹ thuật lấy thận để ghép được thực hiện bằng kỹ thuật mổ mở từ những trường hợp đầu tiên vào năm 1992. Đến ngày 21/9/2004 được sự hỗ trợ từ các chuyên gia đã triển khai kỹ thuật lấy thận qua nội soi ổ bụng. Ngày 9/8/2005 chuyển từ mổ nội soi ổ bụng sang mổ nội soi sau phúc mạc lấy thận từ người hiến sống để ghép. Đây là những kỹ thuật được triển khai đầu tiên tại 
Việt Nam. 
 - Ngày 16/5/2018, Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi triển khai lấy thận từ người hiến sống để ghép bằng Robot đầu tiên tại Việt Nam

Hình 1.6. Trường hợp sử dụng Robot lấy thận từ người hiến sống đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy


- Ngày 23/4/2008, ghép thận từ người hiến chết não, Người bệnh chết não do tai nạn giao thông là con trai, hiến 01 quả thận cho mẹ ruột. Đây là trường hợp ghép thận từ người hiến chết não đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam kể từ khi Luật 
“Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” do Quốc hội ban hành có hiệu lực năm 2007. 
- Tiếp đến vào ngày 2/11/2010, trong một ngày có đến 02 trường hợp hiến tạng từ người hiến chết não không có mối quan hệ gia đình, được ghép cho 04 trường hợp người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối cũng được thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Ngày 12/10/2012, ghép gan từ người hiến sống, con trai cho mẹ ruột, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Asan, Hàn Quốc.
- Ngày 18/6/2015 trường hợp ghép thận từ người hiến tạng tim ngừng đập đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.
- Ngày 19/7/2015 Ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Asan, Hàn Quốc.
- Năm 2013, Ghép tế bào gốc tự thân.
- Ngày 25/12/2015 trường hợp ghép giác mạc từ người hiến chết não đầu tiên tại Bênh viện Chợ Rẫy.
- Ngày 11/1/2017 hai trường hợp ghép thận đổi chéo đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Ngày 29/5/2017, ghép tim từ người hiến chết não đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy với sựhỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Việt Đức.
- Tháng 7/2017 thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc (ghép tủy) đầu tiên trên cả nước với phương pháp lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C (thay vì -196 độ C), thông qua chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Tsukuba Nhật Bản. Kỹ thuật này có thể giúp cho người bệnh giảm được 50% chi phí điều trị.
- Ngày 29/12/2021 trường hợp ghép thận khác nhóm máu đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Người nhận có nhóm máu B+ (chồng) nhận thận hiến từ vợ có nhóm máu A+, sau ghép chức năng thận hồi phục nhanh, diễn tiến ổn định. Ra viện ngày hậu phẫu thứ 10.
- Trên đà phát triển trong tương lai, Bệnh viện Chợ Rẫy hướng đến phát triển ghép tim từ người hiến tim ngừng đập, ghép phổi, ghép ruột…
3.4. Xây dựng và phát triển hệ thống Điều phối trong hiến-ghép mô-tạng từ người hiến sống, chết não hay tim ngừng đập
Điều phối trong hiến ghép mô tạng từ người hiến sống, chết não hay tim ngừng đập là một vấn đề hoàn toàn mới tại Việt Nam. Cấu trúc của hệ thống điều phối bao gồm rất nhiều chuyên ngành khác nhau cùng phối hợp như: Luật pháp, tài chính, Ngành Y tế, giao thông…Ngành Y tế thì gồm các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, tâm lý, xã hội học… Vì vậy, nếu hệ thống điều phối được hình thành thì sẽ nâng cao được chất lượng của quản lý, điều trị bệnh. Nâng cao được uy tín của chuyên ngành, chứng minh tính minh bạch, công bằng của hệthống trong tuyển chọn người tiếp nhận mô tạng hiến. Vì thế, từ những năm 2004-2005, GS Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, trong chương trình hợp tác với Bệnh viện Erasme, Brussels, Bỉ, (Bác sĩ Hoàng Anh Dũng là Trưởng khoa Thận học Bệnh viện Erasme làm đại diện) đã mời Bà VAN HAELEWIJCK Berthe C, Hội trưởng Hội hiến tạng Thế giới, chuyên gia điều phối đến Bệnh viện để tập huấn, giảng dạy cho nhân viên Bệnh viện trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu Sở khoa học Công nghệ “Khảo sát tiêu chuẩn cho thận để ghép ở người chết não” của Bệnh viện.Bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã tạo điều kiện cho các phẫu thuật viên đến Bệnh viện để tham gia chương trình đào tạo về phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến chết não. 

Hình 1.7. Hình Bà VAN HAELEWIJCK Berthe C và các thành viên của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh.

Sau khi Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” ra đời tại Việt Nam (2007), đã làm nền tảng cho sự phát triển của chuyên ngành ghép tạng từ người hiến chết não tại Việt Nam. Nhưng thực tế, cũng chưa thể phát triển được do còn quá nhiều rào cản về phong tục tập quán, văn hóa vùng miền. Từ 2007-2012 chỉ có 07 trường hợp hiến tạng chết não được tiếp nhận, ghép cho 13 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối (01 trường hợp chỉ hiến 01 quả thận cho mẹ ruột) trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu cấp Sở khoa học công nghệ. Một dịp may khác đã đến với Bệnh viện Chợ Rẫy, khi nhóm Thận học Thế giới đến Việt Nam đào tạo về chuyên ngành Thận học tại Trường Đại học Y Dược TpHCM đã đến thăm Bệnh viện. Qua làm việc, với nền tảng đã có của Bệnh viện Chợ Rẫy trong Chương trình ghép thận như: hệ thống cận lâm sàng, xét nghiệm miễn dịch học HLA, Thận nhân tạo, bề dày của ghép thận, số người bệnh chết não tại Bệnh viện mỗi ngày và khoa Hồi sức ngoại thần kinh…Họ đã thu xếp một chương trình học về điều phối trong hiến và ghép tạng từ người hiến chết não cho Việt Nam gồm: 2 Bác sĩ chuyên về điều phối (01 cho phía Bắc và 01 cho phía Nam); Cho Bệnh viện Chợ Rẫy: 01 Phẫu thuật viên lấy đa tạng dưới hoành; 02 Bác sĩ về Thận học; 02 Bác sĩ về Thận nhân tạo; 02 Kỹ thuật viên xét nghiệm miễn dịch học.

 

Hình 1.8. Cụm hình ảnh về hướng dẫn, đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm HLA từ các chuyên gia tại Red Cross, New South Wales (NSW), Úc.


Ngoài ra, thông qua các chương trình hội nghị ghép tạng Việt Nam, Hội nghị Niệu-Thận học TpHCM, GS Richard Allen, nguyên Giám đốc trung tâm ghép tạng tại Bệnh viện RPA thuộc Bang NSW, Úc là Đại sứ của Hội ghép tạng Thế giới, chịu trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển chương trình ghép từ người hiến tạng chết não. Trong 10 năm phối hợp làm việc (2009-2019), Ông đã đưa về Việt nam nhiều đoàn chuyên gia về Điều phối, Thận học, Thận nhân tạo, Phẫu thuật viên lấy, ghép tạng, cận lâm sàng về giảng dạy, làm việc trực tiếp và hướng dẫn xây dựng hình thành nên hệ thống điều phối trong hiến-ghép tạng tại TpHCM, đó là chương trình hợp tác giữa 03 Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất và Nhi đồng 2 để xây dựng hệ thống điều phối trong hiến và ghép thận từ người hiến sống, chết não hay tim ngừng đập. Với mong muốn thông qua kết quả này, có thể làm gia tăng được nguồn tạng hiến từ người hiến chết, thành lập được một hệ thống quản lý và điều phối bảo đảm được tính minh bạch và công bằng. Dưới đây là một số hình ảnh trong chương trình đào tạo nhân sự và chuyên ngành có liên quan đến hệ thống:

 

 

Hình 1.11. Cụm hình đào tạo về Thận nhân tạo trong mối liên kết giũa Úc và bệnh viện Chợ Rẫy.


4. Thực tế hoạt động của hệ thống hiến ghép mô tạng tại Bệnh Viện Chợ Rẫy và TP Hồ Chí Minh
Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy tính cho đến ngày 30/3/2021 thì có các kết quả như sau:
- Thận ghép từ người hiến sống: 937 trường hợp
- Ghép thận đổi chéo cho 05 cặp: 10 trường hợp
- Thận ghép từ người hiến chết não: 52 trường hợp
- Thận ghép từ người hiến tim ngừng đập: 08 trường hợp
- Gan ghép từ người hiến sống: 23 trường hợp
- Gan ghép từ người hiến chết não: 5 trường hợp
- Tim ghép từ người hiến chết não: 7 trường hợp
Bên cạnh đó, Đơn vị Điều phối cũng tiếp nhận được gần 30.000 đơn đăng ký hiến mô tạng khi chẳng may qua đời từ cộng đồng kể từ 10/2014-22/04/2022.
Để có thể làm gia tăng nguồn hiến mô tạng từ người hiến chết não hay ngừng tuần hoàn, Bệnh viện Chợ Rẫy đang cùng Bệnh viện Thống Nhất và Nhi đồng 2 xây dựng “Đề án thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 
Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2”. Đề án được đăng ký thực hiện với Sở Khoa học & Công nghệ TpHCM trong thời gian 11/2019-10/2022. Sản phẩm chính của đề tài là phần mềm sử dụng trong quản lý, điều phối mô tạng được hiến tặng từ người hiến sống, chết não hay tim ngừng đập

Hình 1.12. Cụm hình ký kết hợp tác xây dựng hệ thống điều phối giữa 3 Bệnh viện với sự hướng dẫn của chuyên gia

Cấu trúc của hệ thống phần mềm gồm có 3 phần chính:
1. Phần dành cho cộng đồng
2. Phần quản lý người đăng ký chờ ghép thận
3. Phần tuyển chọn người được nhận thận hiến

Sơ đồ 1.2. Tổng quan mô phỏng cấu trúc và mối liên hệ của Đơn vị Điều phối trong và ngoài Bệnh viện (TVCMGT: tư vấn chuyên môn ghép tạng)

Sơ đồ 1.3. Cấu trúc và mối liên quan của điều phối người hiến tạng chết não hay tim ngừng đập

HĐ: Hội đồng; GCS: Glasgow Coma Scale; HAtt: huyết áp tâm thu; BVCR: Bệnh viện Chợ Rẫy; BN: bệnh nhân; ĐV: đơn vị; XH: xã hội; M: mạch; HA: huyết áp; PM: phòng mổ; PTV: phẫu thuật viên; HS: hồi sức; ICU: Intensive Care Unit; ĐVĐP: Đơn vị Điều phối; KNC: kỷ niệm chương 

Sơ đồ 1.4. Trình bày cấu trúc cùa hệ thống tuyển chọn người nhận cơ quan hiến thông qua hệ thống vi tính tự động hóa.


5. Kết luận
Chuyên ngành Điều phối trong hiến ghép mô tạng tại Việt Nam đi sau Thế giới gần nửa thếkỷ; Nhưng với sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ Y tế, của cộng đồng cùng với sự đồng thuận của các chuyên gia trong và ngoài nước, của nhóm nghiên cứu, thì việc xây dựng thành công một hệ
thống hiến và ghép tạng minh bạch sẽ sớm thành hiện thực

Tin mới

Cổng đăng ký hiến và ghép mô, tạng - Cơ quan quản lý: Bệnh viện Chợ Rẫy

Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại trong giờ hành chính: (84-028) 38554137 – 1184 hay (84-028) 39560139 | Fax: (84-028) 39560139

Điện thoại dành cho trường hợp khẩn cấp (24/24h): 0913.677.016

Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com

Fan page: https://fb.com/dieuphoigheptangbvcr

Đánh giá chất lượng