01/08/2022
Một số thông tin cơ bản người bệnh cần quan tâm
1. Mở đầu.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Các nguyên
nhân có thể do:
- Nguyên nhân nội khoa như: Bệnh lý tại thận, bệnh liên quan đến miễn dịch, bệnh lý
mạch máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, lao niệu, độc thận do thuốc, hóa chất…
- Nguyên nhân ngoại khoa như: bế tắc đường tiết niệu (hẹp da qui đầu, hẹp cổ bàng
quang, hẹp niệu quản, hẹp khúc nối niệu quản-bể thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi
thận, bướu tuyến tiền liệt, bướu bàng quang, bướu thận…)
- Nguyên nhân do chấn thương, …
Suy thận có thể là cấp tính hay mạn tính:
- Suy thận cấp tính thì chức năng thận có thể hồi phục được.
- Suy thận mạn tính thì chức năng thận không thể hồi phục được và dẫn đến suy thận
mạn giai đoạn cuối. Người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối thì phải áp dụng các phương
pháp điều trị thay thế thận như: ghép thận, chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng.
Làm thế nào để có thể bảo vệ lâu dài được chức năng thận, tránh dẫn đến suy thận
mạn giai đoạn cuối?
2. Bảo vệ lâu dài chức năng thận
2.1. Đối với người chưa có bất kỳ bệnh lý nào trước đây, vô tình khi đi khám sức khỏe định
kỳ, phát hiện chức năng thận bị suy thì:
- Phải tìm cho ra được nguyên nhân nào làm mình bị suy thận, với Bác sĩ chuyên về
thận học:
+ Thiếu nước?
+ Dị ứng thức ăn? Hay thuốc?
+ Hay do bệnh thận mà mình chưa phát hiện được?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết thận để tìm nguyên
nhân điều trị.
2.2. Đối với người có bệnh lý kèm theo: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh Gout (còn gọi
là gút hay thống phong, gút),… cần phải:
- Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết.
- Không tự ý uống thuốc, chỉnh liều thuốc theo sự hiểu biết của mình.
- Không uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc dân gian, truyền miệng…
- Tái khám bệnh đúng hẹn, tuân thủ chế độ điều trị bệnh. Nếu có vấn đề cá nhân
không tái khám được đúng hẹn cần thảo luận với Bác sĩ điều trị của mình để có hướng dẫn
theo dõi bệnh đúng cách.
- Có sổ theo dõi tình trạng bệnh: huyết áp, mạch (nhịp tim), đường huyết.
- Có diễn tiến bất thường nên tư vấn với Bác sĩ Tim mạch, Nội tiết, Thận học.
- Lưu giữ, bảo quản các hồ sơ khám bệnh, xét nghiệm theo thứ tự thời gian.
2.3. Đối với người bệnh có triệu chứng rối loạn đi tiểu, tiểu đêm: đây là triệu chứng
thường gặp ở phòng khám tiết niệu, có thể có một hoặc nhiều triệu chứng kèm theo như:
tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu gấp, tiểu són, tiểu gắt, buốt, tiểu đêm, tiểu ngắt quảng, tia
nước tiểu yếu, tiểu máu…Các triệu chứng này là triệu chứng báo động cho biết có thể có
các nguyên nhân gây bệnh như:
- Nhiễm trùng đường tiểu (Nhiễm khuẩn niệu): tiểu gắt buốt, tiểu máu, sốt có thể
kèm sỏi bàng quang, sỏi niệu quản đoạn sát thành bàng quang, bướu bàng quang…
- Bướu tuyến tiền liệt có triệu chứng bế tắc, có thể kèm theo nhiễm khuẩn niệu mạn
tính gây các triệu chứng: tiểu nhiều lần, tiểu gắt buốt, tiểu đêm, tiểu khó, phải rặn, tiểu ngắt
quảng, tia nước tiểu yếu, và thậm chí có trường hợp có tiểu máu kèm theo.
- Hẹp da qui đầu, hẹp miệng niệu đạo, hẹp niệu đạo sau chấn thương…tiểu khó, phải
rặn, tia nước tiểu yếu,…
- Sỏi bàng quang, bướu bàng quang… tiểu gắt buốt, tiểu máu, tiểu khó, phải rặn, tia
nước tiểu yếu, nước tiểu đục.
Nên đến gặp Bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu để khám bệnh, chẩn đoán nguyên nhân và
điều trị đúng.
Giai đoạn này còn sớm, chưa gây suy thận. Nhưng nếu không khám bệnh sớm để tìm
nguyên nhân điều trị, tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian, theo kinh nghiệm bản thân sẽ
dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là suy thận do viêm thận ngược dòng (nếu có bế tắc), dẫn đến
suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu
(nhiễm khuẩn huyết), choáng nhiễm khuẩn và thậm chí tử vong.
2.4. Đối với người già, người bị di chứng tai biến mạch máu não thường có triệu chứng
tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu dầm (tiểu tràn đầy). Trong trường hợp này, có khả năng liên
quan đến bàng quang hỗn loạn thần kinh do tuổi già, bàng quang hỗn loạn thần kinh do di
chứng của thần kinh. Cần làm chẩn đoán xác định bởi Bác sĩ niệu khoa xem có bị bế tắc hay
không? Nếu có sẽ dẫn lưu nước tiểu bằng mở bàng quang ra da hay đặt thông niệu đạo tại
chỗ để kiểm soát lượng nước tiểu tồn dư trong bàng quang, hạn chế suy thận do viêm thận
ngược dòng.
2.5. Đối với trẻ em sẽ phức tạp hơn người lớn, có nhiều nguyên nhân để dẫn đến suy thận:
- Bệnh lý tại thận bẩm sinh, bệnh lý tự miễn…
- Dị tật bẩm sinh hệ thống đường tiết niệu:
+ Dị tật khúc nối bể thận-niệu quản
+ Van niệu đạo sau
+ Hẹp da qui đầu
+ Dị tật miệng niệu đạo (lỗ tiểu)
+…
Cần được chẩn đoán sớm nguyên nhân, điều trị, kiểm soát tốt bệnh từ các Bác sĩ Nhi
khoa, hạn chế bệnh dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Suy thận mạn tính sẽ làm ảnh
hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ. Ghép
thận, cũng không phải là chuyện dễ dàng đối với trẻ, đặc biệt là sự tuân thủ trong điều trị
bệnh sau ghép.
3. Các biện pháp cơ bản để bảo vệ thận:
- Uống đủ nước, trung bình tối thiểu mỗi ngày từ 1,5-2 lít nước trong ngày (bao gồm
nước lọc, nước canh, nước súp, cháo, sữa…). Nếu thể trạng người cao, to thì lượng nước
uống có thể lên đến 3 lít trong ngày, đặc biệt là lúc nắng nóng, oi, bức, đổ nhiều mồ hôi,
người làm việc ngoài trời… Nước, là loại thức uống rẻ tiền và thận là một cơ quan rất cần
nước. Uống đủ nước, là một bước cơ bản để bảo vệ thận tránh biến chứng nặng nề không
thể hồi phục được và sẽ tốn rất nhiều tiền, nhưng không biết kết quả sẽ như thế nào.
- Người già thường uống ít nước, ăn kém,…cần chú ý bù nước tốt nhất có thể, thông
qua sữa, nước súp, nước cháo, nước canh, nước trái cây…
- Kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như: huyết áp, đường máu, bệnh lý bế tắc, nhiễm
khuẩn đường tiết niệu.
- Uống thuốc đúng, đủ liều, không tự điều chỉnh liều thuốc.
- Không uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
- Đối với người bệnh có “bị suy tim”, việc “uống nước” cần tư vấn với Bác sĩ Tim
mạch của mình.
4. Kết luận:
Kiểm soát, điều trị tốt các bệnh kèm theo, các nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận là
yêu cầu quan trọng nhất để có thể phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế, hoặc kéo dài thời gian
dẫn đến suy thận mạn tính giai đoạn cuối cần ghép thận.
Ghép thận chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể điều trị gì khác hơn.