Lời cảm ơn người hiến tạng

19/04/2024

Tất bật quanh năm với công việc điều phối và thực hiện những ca ghép tạng, cuối năm đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), lại lên đường đến từng gia đình có người hiến tạng trong năm để nói lời cảm ơn.

 

 

 

1. Đi từ TP.HCM đến TP Buôn Ma Thuột bằng ôtô, phải vượt quãng đường 400km, nhưng để đến được xã Ea Knốp, huyện Ea Kar, phải đi thêm gần 80km nữa. Đó là nơi sinh sống của gia đình anh H.M.N., sinh năm 1982, người hiến tạng cứu người vào cuối năm qua.

Là con trai trưởng trong nhà, sau vài năm đi bộ đội, N. phục viên và bắt đầu cuộc mưu sinh ở TP.HCM bằng nghề xây dựng. Một ngày giữa tháng 12/2018, trong khi đi đường, N. bị tai nạn giao thông và nhập viện bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng chết não. Nghe hung tin, gia đình từ quê lặn lội lên TP.HCM, và sau khi nghe một người quen động viên, họ không chần chừ hiến phổi, gan, thận người thân để cứu giúp người khác.

Ngày 24/1/2109, trong căn nhà nhỏ đang chằng chống vì vách tường nghiêng ngả, bà Th., mẹ anh N. nở nụ cười thật tươi khi nhìn thấy khách từ xa đến, thế nhưng trong ánh mắt bà, người ta dễ nhận thấy nỗi buồn mênh mông của người mẹ vừa đột ngột mất con.

Bà ngậm ngùi: “N. có hai em gái lấy chồng ở xa, giờ nhà chỉ còn thằng út là S. Từ lâu nhà kêu hai đứa lấy vợ để tôi có cháu bồng, nhưng có đứa nào nghe đâu”. Vậy là trong căn nhà nhỏ đó chỉ có người mẹ già thui thủi cả ngày sinh hoạt một mình. S. thì sáng đi tối về vì cũng làm nghề xây dựng, còn ông T., người chồng, người cha cũng mưu sinh tận Long An, dăm ba tháng về nhà một lần.

Trời cao nguyên cuối năm se lạnh, nhưng căn nhà đơn sơ trở nên ấm cúng vì những nén nhang mới thắp lên trên bàn thờ anh N. Bà Th. nói: “Con tôi chết đi nhưng tôi vui vì nó vẫn hiện diện đâu đó trên cõi đời này, khi giúp người khác kéo dài được cuộc sống”. Niềm vui của người mẹmất con thật đáng trân trọng.

2. Trên chuyến xe quay về TP.HCM, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây là năm thứ tư đơn vị đi tri ân người hiến tạng. Danh sách ngày càng dài ra, người hiến ở khắp nơi, nhưng đây là chuyến đi xa nhất. Chị nói: “Một ngày nào đó khi mạng lưới điều phối ghép tạng được triển khai rộng khắp, công việc này sẽ do cán bộ địa phương thực hiện”.

Mơ ước phát triển phong trào hiến mô tạng ở nước ta có cơ sở, vì ý thức cộng đồng ngày một nâng cao.Theo  TS Thu, những tháng qua xuất hiện nhiều ca hiến tạng từ sự tự nguyện của gia đình mà không nhờ đến sự động viên của nhân viên y tế.

Một ngày trước chuyến đi Dăk Lăk, tại một ngôi nhà ở phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM, chị Mỹ Hương, kể về ước mơ hiến tạng trong những tháng cuối đời của chồng mình, anh Giang Công Hải: “Sau hơn mười năm chống chọi với bệnh ung thư, năm qua khi sức lực ngày một cạn kiệt, anh Hải mong muốn hiến xác để làm một điều gì đó tốt đẹp cho đời. Tuy nhiên, ý nguyện này bị từ chối vì anh ấy không đủ tiêu chuẩn.Không nản lòng, anh liên lạc với bệnh viện Chợ Rẫy xin hiến tạng.May mắn là anh ấy không bị viêm gan nên giác mạc vẫn có thể sử dụng được”.

Chị Hương kể, ngày nhận được tấm thẻ hiến tạng bệnh viện gửi về, anh Hải rất vui và dặn người nhà phải cất kỹ. Chị nói tiếp: “Có lẽ Trời Phật thương nên anh ấy được ra đi lúc 12 giờ trưa, nhờ thế mà ý nguyện được trọn vẹn. Ngay khi nhận tin, các bác sĩ ngân hàng Mắt đến tiếp nhận giác mạc của anh ấy để ghép lại cho người hai người mù nghèo ở tỉnh”.

Căn nhà của anh Hải cuối năm thật vui, vì các thành viên trong nhà đã thực hiện được tâm nguyện cuối cùng của người thân yêu. Từ trải nghiệm này, bản thân chị Hương và một thành viên khác trong nhà cũng đã làm đơn xin hiến tạng.

3. Nhưng nghĩa cử tri ân của đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy đâu chỉ dành cho người hiến tạng trong năm và cũng không chỉ xuất phát từ đơn vị này. Cũng ngày 23/1/2019, tại một ngôi nhà nhỏ lợp tôn lụp xụp không số ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM, TS Thu gặp lại chị Ánh Phụng, người có đứa con trai 20 tuổi chết não từng hiến tạng cứu năm người hồi tháng 4/2016. Người mẹ 49 tuổi trôi dạt từ Bến Tre lên TP.HCM này vẫn ngày ngày lao động tay chân, để nuôi đứa con trai tám tuổi tên Võ Sơn Lâm.

Đặt xong phần quà lên bàn thờ và thắp nén nhang cho người đã khuất, TS Thu và các thành viên trong đoàn vui mừng khi nhìn thấy bảng điểm mới nhất của Sơn Lâm. Chỉ có môn toán là 6 điểm, các môn còn lại như tiếng Việt, Anh văn đều 9 điểm. Ngày câu chuyện hiến tạng của người anh trai Sơn Lâm được truyền thông đăng tải, một mạnh thường quân giấu tên cam kết hỗ trợ chi phí học tập của cậu bé đến hết phổ thông, như sự tri ân cho một nghĩa cử cao đẹp.

Thời điểm đó, với sự giúp đỡ của nhiều người, Sơn Lâm được các thầy cô trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 2 nhận vào lớp 1. Sau gần hai năm được thầy cô kiên trì dạy dỗ, đứa bé “như con ngựa hoang” ngày nào nay đã tiến bộ. Có người gọi Sơn Lâm là “Đứa con nuôi của bệnh viện Chợ Rẫy”, nhưng TS Thu không đồng tình: “Nó là đứa con của xã hội, vì nhận được sự chung tay giúp sức của mọi người”.

bài, ảnh Phan Sơn (theo TGTT)

 

*Link gốc:  https://thegioihoinhap.vn/song-khoe/suc-khoe-y-te/loi-cam-on-nguoi-hien-tang/

Tin mới

Cổng đăng ký hiến và ghép mô, tạng - Cơ quan quản lý: Bệnh viện Chợ Rẫy

Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại trong giờ hành chính: (84-028) 38554137 – 1184 hay (84-028) 39560139 | Fax: (84-028) 39560139

Điện thoại dành cho trường hợp khẩn cấp (24/24h): 0913.677.016

Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com

Fan page: https://fb.com/dieuphoigheptangbvcr

Đánh giá chất lượng